Home / Ngữ Văn 10 / Tóm tắt Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Tóm tắt Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

Tóm tắt chuyện ”Chức Phán sự đền Tản Viên”

Chuyện Chức Phán Sự Đền Tản Viên
(Tản Viên từ phán sự lục — Trích Truyền kì mạn lục — NGUYỄN DỮ)

Ngô Tử Văn tên Soạn, người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang, tính tình vốn cương trực, khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được. Trong làng nơi Từ Văn ở có một ngôi đền vốn rất linh thiêng, đền thiêng vốn thuộc quyền cai quản của Thổ công đất này nhưng bị một tên tướng giặc của nhà Minh tử trận ở gần đền chiếm lấy. Hồn của tên tướng giặc tác oai tác quái trong nhân dân.

Tức giận, Tử Văn bèn đốt đền một cách công khai và quyết liệt để trừ hại cho dân. Đốt đền xong, về nhà, Tử Văn thấy người khó chịu, rồi lên cơn sốt.
Trong cơn sốt, Tử Văn thấy một người cao lớn khôi ngô, đầu đội mũ trụ tự xưng là cư­ sĩ đến đòi làm trả lại ngôi đền như cũ. Tử Văn vẫn thản nhiên. Người kia tức giận doạ sẽ kiện Tử Văn ở tòa cõi âm. Chiều tối, lại có một ông già phong độ nhàn nhã đến tỏ lời mừng, hỏi ra mới biết đó là Thổ công bị viên tướng bại trận giả làm cư­ sĩ kia tranh chiếm mất đền. Ông già dặn rằng nếu âm phủ có tra hỏi thì cứ khai ra những lời ông nói, nếu tên kia chối thì cứ đến mà xác minh.

Đến đêm, Tử Văn bị hai tên quỷ sứ đến bắt đi. Đến âm phủ, người canh cổng truyền rằng Tử Văn tội sâu ác nặng không được khoan giảm. Tử Văn kêu oan và được dẫn vào gặp Diêm Vương. Tử Văn tâu trình đầu đuôi như lời Thổ công đã nói và tranh cãi mãi với người đội mũ trụ, không phân phải trái. Diêm Vương sinh nghi, người đội mũ trụ định lảng chuyện, sợ bị lộ ra sự thực. Diêm Vương sai người đến đền Tản Viên để lấy chứng thực thì thấy đúng như lời Tử Văn nói. Kẻ kia bị đẩy vào địa ngục tầng thứ chín.

Tử Văn được Diêm vương cho sống lại. Tử Văn về đến nhà thì mới biết mình đã chết được hai ngày. Ngôi mộ của tên tướng giặc bị bật tung lên, hài cốt tan tành. Sau đó một tháng, Thổ công vì cảm kích bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất của Ngô Tử Văn mà mời Tử Văn đến nhận chức phán sự đền Tản Viên. Tử Văn nhận lời, rồi không bệnh mà mất. Sau đó, có người thấy Tử Văn trên xe ngựa cưỡi gió. Người ta truyền rằng đó là “nhà quan phán sự !”