Home / Review sách / Review sách Tuổi Thơ Dữ Dội

Review sách Tuổi Thơ Dữ Dội

Tuổi Thơ Dữ Dội
Tác giả: Phùng Quán

Review sách:
Tuổi thơ dữ dội của mọi người có thể là những trò như: ô ăn quan, nhảy dây, trốn bố mẹ đi câu cá, bắt ve vào giữa trưa hè, đi trảy trộm cà chua hay xoài nhà hàng xóm,… Nhưng “TUỔI THƠ DỮ DỘI” của Phùng Quán lại hết sức đặc biệt.

“Tuổi thơ dữ dội” tuy rất bình dị, chân thật, không màu mè, không yêu đương lãng mạn, không giật gân gay cấn, nhưng là 1 tác phẩm mà nếu đã cầm lên đọc thì bạn sẽ bị cuốn vào câu chuyện lúc nào không biết và khó mà dứt ra được.

“TUỔI THƠ DỮ DỘI” là câu chuyện kể về những cậu bé cực kì dũng cảm sinh ra, lớn lên và thậm chí là hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp của đồng bào miền Trung, chủ yếu là ở Huế – Thừa Thiên. Nhân vật của truyện là những cậu bé chạc 13, 14 tuổi bao gồm: Mừng, Lượm, Quỳnh Sơn ca, Tư dát, Hòa đen, Châu xém, Bồng da rắn, Vịnh sưa… Mỗi cậu bé đều mang một câu chuyện khác nhau, sinh ra ở những hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, sở trường khác nhau nhưng lại có chung một lòng yêu nước nồng nàn.

Mừng mới chỉ 12 tuổi, gia nhập Vệ quốc Đoàn vì thấy trong sân tập có lá cây tầm gửi mà em đang tìm để chữa bệnh hen suyễn cho mẹ. Tại đây, lòng yêu nước của em đã được khơi dậy để sau khi gửi được lá về cho mẹ rồi, em vẫn quyết tâm kề vai sát cánh với các bạn, các anh chiến đấu chống giặc. “Đánh đuổi hết tụi Tây cướp nước, giành được độc lập rồi thì ai ai cũng được sung sướng. Những người cực khổ như mạ em dù có mắc bệnh chi nặng mấy cũng được Chính phủ chữa cho lành… Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành…”

Lượm vốn là con nhà Cách Mạng nòi, cha em bị bắt đày ra Côn Đảo và hy sinh, đã tự nguyện gia nhập Vệ quốc Đoàn. Sau đó bản thân em cũng bị bắt, bị tra tấn, đánh đập dã man nhưng em nhất quyết không khai với giặc dù chỉ 1 lời. Em đã trốn tù thất bại 2 lần, bị giặc bắt lại, tra tấn, dụ dỗ đều không làm em lung lay ý chí và tinh thần yêu nước.

Quỳnh sơn ca là con trai duy nhất của phó tổng trấn Trung Kỳ, được cưng chiều, ăn ngon, mặc đẹp, nhưng em lại rất thích những bản nhạc Cách Mạng hào hùng. Bị cha xé quyển sách có những bản nhạc Cách Mạng em tự chép, Quỳnh đã trốn nhà xin vào Vệ quốc Đoàn. Chân đau phải nằm viện quân y nhưng em vẫn rất kiên cường, không muốn thành gánh nặng của mọi người, em đã giúp mọi người luôn có tinh thần lạc quan giữa trận chiến. Cha mẹ em đã nhờ người mang nhiều quà tới quân khu xin đón em về để đưa sang Thụy Sỹ ăn học, em nhất định không chịu, rồi vì nghĩ tới người cha Việt gian mà em đã uất ức tới vỡ tim rồi qua đời ngay tại chiến khu.

Vịnh Sưa tuy tuổi còn nhỏ nhưng luôn là người gương mẫu, chu đáo, tận tuy, và rất có kỷ luật, được mọi người quý mến. 1 mình giữa vòng vây giặc nhưng em vẫn giữ được bình tĩnh để làm cờ vẫy tín hiệu, báo cho quân ta biết vị trí kho đạn địch. Sự hy sinh anh dũng của Vịnh đã góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, quyết tâm đánh đuổi giặc, giành lại đất nước của cả đội.

Tư dát là 1 cậu bé láu lỉnh, hoạt ngôn. 1 hôm trên đường đi học về, nghe thấy tiếng hát trên đoàn tàu Nam tiến: “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu.”, em đã không chần chừ mà liệng luôn cặp xuống sông, rồi trốn lên tàu, sau đó xin gia nhập Vệ quốc Đoàn.

Cuộc sống ở chiến khu tuy rất vất vả, chịu đói, chịu rét, nhưng tất cả vẫn luôn lạc quan, vô tư, trong sáng. Ở các em luôn có một ngọn lửa yêu nước đáng tự hào và ngưỡng mộ.

Cuốn sách đã giúp tôi cảm nhận được phần nào diễn biến tàn khốc của kháng chiến chống thực dân Pháp mà tôi nghĩ, không có cuốn sách giáo khoa Lịch sử nào có thể lột tả được một cách chân thực đến vậy.