Home / Review sách / Review sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình

Review sách Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình

Đừng Bao Giờ Đi Ăn Một Mình
Tác giả: Keith Ferrazzi, Tahl Raz

Review sách:
Đối với cuộc sống hiện đại ngày nay thì việc tiếp xúc và biết cách giao tiếp, thu hút người đối diện là một điều vô cùng quan trọng. Chắc không phải ai cũng làm được điều này đúng không. Nhiều người họ sẽ chọn cho mình cuộc đời khép kín – chỉ là một chiếc bóng lặng lẽ. Ngược lại, số khác lại luôn thu hút mọi người bằng phong thái và cách sống của chính họ, cho dù họ xuất hiện ở bất cứ đâu.

Bạn đừng bao giờ chọn cách khép kín và lặng lẽ. Bạn phải thể hiện được vai trò sự tồn tại của bạn, và như thế bạn mới phát triển và thành công. Nếu bạn vẫn không biết bắt đầu tư đâu thì bạn hãy đọc cuốn sách “đừng bao giờ đi ăn một mình”. Nó sẽ là một bài học cho những người thích sự thầm lặng.

Cơ hội của mỗi người đều giống nhau,
Đừng ngại giao tiếp, tự mình mở rộng mối quan hệ của bản thân
Sự thành công một phần đến từ những mối quan hệ
Đừng ngại trao đổi và cho đi cái mình đang có

Vì thế mỗi chúng ta chưa cần phải tự tin vào bản thân sẽ làm được những người khác làm được. Vì mỗi chúng ta đều sinh ra cùng với một khả năng nào đó thu hút người khác. Bạn hãy mở rộng bản thân và kết nối với mọi người và đừng bao giờ đi ăn một mình.

Ngay phần đầu của cuốn sách, ông Keith Ferrazzi – tác giả cuốn sách đưa ra một đánh giá sâu sắc và rõ ràng nguyên nhân của sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo: “Sự nghèo khổ không chỉ do chúng ta thiếu nguồn lực tài chính mà còn do chúng ta bị tách biệt ra khỏi những con người có thể giúp chúng ta phát huy hết khả năng của mình”.

Ở đại học FPT, chúng tôi thường được các thầy cô nhắc đến cụm từ chi phí cơ hội. Đó là một loại chi phí được tính bằng giá trị cơ hội tốt nhất mà bạn sở hữu khi phải lựa chọn hoặc đánh đổi để làm một việc khác. Ví dụ bạn bỏ ra một tiếng để ăn phở thì trong thời gian đó bạn sẽ không thể học bài, đi ngủ, đi chơi với crush. Hay nói cách khác, chi phí cơ hội của việc đi ăn phở là mất đi thì giờ để học bài, đi ngủ hoặc đi chơi với crush.
Vậy bạn mất gì khi “đi ăn” một mình?!
Chắc chắn là rất nhiều!

Tôi biết rất nhiều người, bản thân họ cực kì muốn trở nên cởi mở và thân thiện hơn nhưng họ bế tắc với việc làm sao để bứt ra khỏi vòng an toàn của thói quen. Hiển nhiên là ai trong chúng ta cũng cần một bước chạy đà rồi. Nếu bạn thực sự muốn thay đổi cuộc sống của mình, hãy đọc cuốn sách này! Tin tôi đi, nó đặc biệt ấn tượng với những người hướng nội và có tâm lý trì hoãn.

Cuốn sách hướng dẫn vô cùng tỉ mỉ và chi tiết về từng quá trình thiết lập quan hệ từ bước giao tiếp cá nhân cho tới xây dựng một mạng lưới rộng lớn. Với mỗi phần của cuốn sách, tác giả lại cho chúng ta rất nhiều ví dụ, câu chuyện để làm sao cho người đọc cảm nhận được rõ ràng nhất vấn đề được đề cập. Đặc biệt là các câu chuyện đều lấy cảm hứng từ những người rất nổi tiếng, những người đã thực sự thành công với triết lý của họ, đó cũng chính là nguồn động lực mãnh liệt tác động đến mỗi chúng ta. Cùng với đó, hướng dẫn viên Keith Ferrazzi đưa ta từng bước vào trong các mối quan hệ một cách đầy tình cảm, tuy mộc mạc gần gũi nhưng không thiếu phần sâu lắng, mang tính thực hành cao khác hẳn với các lý thuyết suông.

Lập Kế Hoạch Đúng Đắn Và Tìm Người Đỡ Đầu
Kể cả trên phương diện phát triển quan hệ xã hội hay tìm kiếm khách hàng tiềm năng, bạn cũng cần phải có những kế hoạch. Nó không thể chỉ là 5 dòng To-do-list về những việc sẽ làm trong 1 năm tiếp theo. Kế hoạch cần chi tiết, càng chi tiết càng tốt đến từng tháng, từng tuần, từng ngày, thậm chí là từng giờ. Nhưng kể cả là bạn đã lập kế hoạch cho từng phút giây cho cuộc sống thì vẫn chưa đủ, bạn cần phải phân tích xem khách hàng tiềm năng của mình là ai, mình cần làm những gì để phát triển yếu tố nghiệp vụ của mình đi kèm với đó là các rủi ro có thể xảy ra. Và yếu tố quan trọng mà ông Keith Ferrazzi nhắc đến đó là một người đỡ đầu. Tôi chỉ kịp ồ lên một tiếng. Tại sao lại cần người đỡ đầu khi ta đã có một kế hoạch cực kì chi tiết?!

Bởi vì, một người đỡ đầu là người sẽ có khả năng kiểm định mức độ thành công và xác thực của kế hoạch, người sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm và đáng tin cậy để chúng ta giãi bày tâm sự. Chưa kể với những người hướng nội như tôi, người đỡ đầu sẽ còn giúp các bạn rất nhiều điều, đặc biệt là trong quá trình kết nối với những nhóm, mối quan hệ mới bên ngoài.
Đừng quá tập trung với việc cần làm, hãy tập trung với người cần gặp!

Triển Khai Và Duy Trì Mạng Lưới
Tổng quan của xã hội hiện nay cho chúng ta một góc nhìn rằng khi mà các sự ưu tiên, độc quyền đang dần biến mất, sức mạnh tuyệt đối của các công ty lớn gần như không còn tồn tại. Họ chia nhau miếng bánh thị trường dựa theo từng phân khúc khách hàng và yếu tố đặc trưng của sản phẩm. Ví dụ như Facebook đã phải hỏi mua lại Instagram rồi cập nhật rất nhiều tính năng cho chính sản phẩm của mình. Các công ty lớn như P&G hay Unilever đã từng chi rất mạnh tay cho các bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các bộ máy bên trong công ty thì nay họ sẵn sàng để cho thương hiệu của mình được sử dụng bởi nhiều sản phẩm khác và mua các ý tưởng sản phẩm từ bên ngoài, hay lớn hơn nữa là kết hợp với chính khách hàng như những cộng tác viên của doanh nghiệp.

Khác rồi cái thời kẻ chiến thắng là người nắm giữ mọi thông tin quan trọng. Khi sự minh bạch về thông tin, sự dễ dàng trong kết nối đưa con người ta đến với nhau thì mọi thứ đều thay đổi. Thời đại này là thời đại của sự chia sẻ, hãy cho đi và đừng ghi sổ nợ!

Tác giả cuốn sách chia các mối quan hệ thành ba phần gồm:
Những người cần duy trì liên lạc thường xuyên.
Những người giữ liên lạc ở mức bình thường.
Những người bạn tiềm năng, thỉnh thoảng liên lạc ở mức khoảng 1 lần/ 1 năm.

Để có thể quản trị tốt danh sách bạn bè của mình, chúng ta có thể sử dụng đến sự hỗ trợ của nhiều công cụ hiện nay như mail, mạng xã hội. điện thoại. Bằng việc tận dụng cả yếu tố công nghệ lẫn con người, ông Keith Ferrazzi duy trì được hàng ngàn mối quan hệ đã có và hiếm khi để chúng chết trong lạnh giá. Ông luôn luôn tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh trong các chuyến đi khắp nơi để gặp những người bạn của mình, tận dụng từng buổi gặp mặt, hội thảo để làm sao kết nối được với nhiều người nhất. Trong bối cảnh rất nhiều người thì đang quá phụ thuộc vào công nghệ mà quên đi rằng chúng chỉ có tác dụng duy nhất là hỗ trợ con người chứ không thể thay thế con người.
Hãy nhớ rằng, không có gì tuyệt vời hơn là buổi hẹn gặp mặt trực tiếp.

Yếu Tố Cốt Lõi Trong Xây Dựng Quan Hệ
Nhưng mỗi người mà chúng ta tiếp xúc đều có mạng lưới của riêng họ, liệu rằng ta có thể trở thành người quan trọng trong mạng lưới của họ hay không. Điều này thì ta hoàn toàn không biết. Nhưng ta đủ khả năng có thể là trung tâm trong mạng lưới của mình. Đơn giản là đừng đến với nhau vì lợi ích nhất thời…

Chắc hẳn các bạn đều biết tới cuốn sách “Đắc Nhân Tâm”, đây là cuốn sách đề cập tới những cách ứng xử căn bản nên sử dụng trong đời sống hàng ngày để có được thiện cảm của người khác. Cuốn sách rất nổi tiếng, bán rất chạy và nhiều người mua nó nhưng không phải ai cũng thành công với những triết lý trong đó. Tôi nghĩ rằng điều này dễ hiểu thôi. Nó cần xuất phát từ cái tâm chân thật. Chẳng hạn như trong Đạo Phật, chúng tôi thường được khuyến khích sử dụng ái ngữ với người đối diện, ái ngữ là lời khen, lời nói chân thật mà ta thực sự cảm nhận và trân trọng từ người ấy, nhưng nếu vẫn là lời ấy nhưng chỉ đơn giản là nói ra để nịnh hót thì nó gọi là ỷ ngữ, tức nói dối.

Khi ta nói bằng cái tâm, người ta sẽ vui và cảm thấy ấm áp, khi ta dùng ỷ ngữ, có thể họ cũng sẽ vui, nhưng cái vui đó chỉ là nhất thời, đồng nghĩa với việc niềm tin cũng không sẽ sớm biến mất sau khi họ biết được sự thật.
Hãy xây dựng một tình bạn chứ không phải là quan hệ nhờ vả tức thời!

Lời Kết
Qua cuốn sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình”, bạn sẽ nhận ra kết nối là sự liên kết chia sẻ to lớn về kinh nghiệm, thời gian, tình cảm, bạn bè, đồng nghiệp,… Mọi thời điểm đều có thể là cơ hội để bạn kết nối với mọi người, và đừng nên để bàn ăn của mình trống vắng. Tôi rất thích quan điểm của người Ấn Độ rằng những người đến với ta là những người chắc chắn phải xuất hiện. Có nghĩa là mỗi người sinh ra đều có một sứ mạng nhất định, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng nhận ra khi những việc ấy xảy ra.

Không chỉ những người đi qua cuộc đời ta mới có nhiệm vụ của họ, chính chúng ta cũng có những sứ mệnh riêng, sứ mệnh liên kết một phần nào đó trong xã hội. Và sẽ chẳng có giá trị nào được trao truyền nếu như bạn mãi để bàn ăn thừa ghế!

Hoàng Thiện Đăng

Xem thêm:
Review sách Giết Con Chim Nhại
Review sách Những Gì Đã Qua Đừng Nghĩ Lại Quá Nhiều