Giết Con Chim Nhại
Tác giả: Harper Lee
Review sách:
“Giết con chim nhại” (To kill a Mocking Bird) được dẫn dắt bằng những câu chuyện xung quanh cuộc sống thường nhật của hai anh em Jeremy Aticus Finch (Jem) và Jean Louise Finch (Scout) ở thị trấn nhỏ Maycomb, bang Alabama, miền Nam nước Mỹ trong những năm 30. Sự tò mò và những trò nghịch ngợm của anh em Scout có lẽ sẽ gợi cho nhiều độc giả về tuổi thơ của mình và cũng truyền tải các thông điệp về tình cảm gia đình, anh em. Tôi thích nhân vật Scout vì thấy những nét tính cách của mình trong cô bé ấy (chẳng hạn việc muốn trốn học và sẵn sàng đánh nhau với bọn con trai nếu cần thiết).
Những lời khuyên, cách dạy con cái của ông bố đơn thân Atticus Finch được lồng ghép một cách nhẹ nhàng qua những lời thoại với anh em Scout và Jem. Cách ông trả lời “muôn vạn câu hỏi vì sao” và giúp con đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống và rắc rối ở trường học để lại nhiều bài học giá trị nhân văn sâu sắc về lòng dũng cảm, sự vị tha; về cách nhìn nhận vấn đề và con người… Tin chắc rằng, dù bạn đã là ba mẹ hay còn đang ở lứa tuổi học sinh… thì cũng sẽ rút ra được nhiều điều giá trị.
“Con không bao giờ thực sự biết (hiểu) một người cho đến khi con ở vào địa vị và cư xử theo kiểu của họ”. Hay “Phần lớn mọi người đều tốt cả, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi”.
“Khi trẻ con hỏi điều gì hãy trả lời nó, vì thiện chí. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối… Ngôn ngữ bậy bạ là một chặng đường mà mọi trẻ con đều đi qua, và qua thời gian nó sẽ chết, khi bọn trẻ nhận ra rằng chúng không thể thu hút sự chú ý bằng thứ ngôn ngữ đó…”
Ngoài những điểm thú vị vừa nêu trên, “Giết con chim nhại” gây ấn tượng mạnh mẽ bởi câu chuyện về nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ vào thế kỷ trước. Chuyện được kể thông qua sự kiện nhân vật người bố – luật sư Atticus Finch “được” chỉ định bào chữa cho một người lao động da đen tên Tom Robinson vì tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Ở miền Nam nước Mỹ giai đoạn ấy, người da trắng gọi cộng đồng của Tom Robinson là “bọn mọi đen” với sự khinh rẻ, miệt thị.
Luật sư Atticus không khó để đoán được kết quả vụ án này, cho dù Tom hiền lành, vô tội thật đấy. Nạn phân biệt chủng tộc đã khiến con người định kiến, một người da trắng dù tệ hại vẫn được coi trọng hơn một tên da đen. Atticus cũng hiểu rằng, lũ trẻ sẽ bị cộng đồng kỳ thị khi bố chúng ra sức bảo vệ cho những người da đen, và bản thân ông có thể gặp những mối hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Nhưng ông vẫn đấu tranh đến cùng để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền bình đẳng của mỗi con người. Ông chọn cách tin vào lẽ phải, vào lương tâm của con người và dạy các con hãy tin vào những điều tốt đẹp, dũng cảm đối mặt với khó khăn:
“Các con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố mà đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi”.
“Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng, dù có chuyện gì xảy ra”.
Câu nói tâm đắc nhất tác phẩm và qua đó cho thấy tinh thần chiến đấu đến cùng của bố Atticus :” cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố chiến thắng”. Một tác phẩm kinh điển đề cao về lương tâm, công bằng, bác ái và chống thành kiến, khiến ta không thể rời mắt khỏi dòng chữ và không thôi suy nghĩ, một tác phẩm mà mọi người nên đọc ít nhất một lần trong đời…
Giết con chim nhại không chỉ dừng lại ở lời giới thiệu là cuốn sách về phân biệt chủng tộc, nó còn là cuốn sách về lòng dũng cảm, về đối nhân xử thế, về trách nhiệm giữa con người với con người. Một cuốn sách hoàn toàn đáng đọc và phù hợp với tất cả mọi người.