Nhân Tố Enzyme – Phương Thức Sống Lành Mạnh
Tác giả: Hiromi Shinya
Hôm nay, mình xin tổng kết những nội dung chính yếu của quyển sách “Nhân tố Enzyme” (quyển *) để mọi người có thể nắm một phần nào đó về phương pháp sống khỏe được trình bày trong quyển sách:
Bác sĩ Shinya là bác sĩ chuyên khoa nội soi dạ dày, đã khám cho hơn 300k bệnh nhân và chưa từng phải viết giấy chứng tử cho bất kỳ một bệnh nhân nào. Qua kinh nghiệm khám lâm sàng cho hơn 300k bệnh nhân, bác sĩ Shinya đã rút ra kết luận: “người có sức khoẻ tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại người có sức khoẻ kém là người có dạ dày không đẹp”. Yếu tố ảnh hưởng đến vị tướng và tràng tướng chính là thói quen ăn uống cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Vậy làm thế nào để sống lâu và khoẻ mạnh? Nói ngắn gọn thì đó là sống mà không tiêu tốn hết “enzyme diệu kỳ”.
Enzyme là chất xúc tác sinh học tồn tại trong mọi sinh vật sống. Enzyme tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu duy trì sự sống như: tổng hợp, phân giải, vận chuyển các chất, thải độc, cung cấp năng lượng… Nếu không có enzyme, sinh vật không thể duy trì sự sống, và con người cũng vậy.
Cuộc sống hiện đại ngày nay có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta tiêu tốn các enzyme diệu kỳ như: rượu, thuốc lá, phụ gia thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, căng thẳng, ô nhiễm môi trường…
Trong cơ thể chúng ta có hơn 5k loại enzyme, ngoài ra chúng ta có thể tự tổng hợp enzyme qua các bữa ăn hàng ngày. Các thực phẩm càng tự nhiên, càng tươi mới thì càng có nhiều enzyme như: trái cây, rau củ, rong biển, tảo biển, nấm, ngũ cốc…
Bằng cách bổ sung các thực phẩm giàu Enzyme và tránh lạm dụng các yếu tố tác hại gây cạn kiệt enzyme, chúng ta có thể sống khoẻ mạnh không bệnh tật và sống hết tuổi thọ tự nhiên của mình. Để làm được điều đó thì ngay bây giờ bạn phải thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt của mình.
Những quan niệm phổ biến về sức khoẻ đều là sai lầm:
1/ Ăn thịt nhiều không có nghĩa là khoẻ mạnh:
Ăn nhiều thịt sẽ phá hoại sức khoẻ và đẩy nhanh quá trình lão hoá. Thịt gây tổn thương dạ dày do không có chất xơ và chứa quá nhiều chất béo, rất khó tiêu hoá. Phần không thể tiêu hoá sẽ tích tụ thành “phân đóng khối” bị ứ đọng ở đại tràng thời gian dài, sau đó chúng sẽ mục rữa trong đường ruột và sinh ra khí gas độc hại (amoniac).
Khí gas sau đó sẽ đi thẳng vào máu và từ đó theo máu dẫn đi khắp cơ thể, chúng tích tụ tại các cơ quan như các quả bom nổ chậm chờ cơ hội bộc phát. Đường ruột sẽ trở nên xấu đi nhanh chóng do phân tích tụ lâu ngày tạo nên các túi thừa, các túi thừa phát triển sẽ dẫn đến ung thư đại tràng. Ngoài ra, ăn nhiều thịt còn dẫn đến hàng loạt các vấn đề bệnh tật đang ăn mòn cơ thể từ bên trong như tim mạch, tai biến mạch máu não, loãng xương, ung thư…
2/ Càng uống thuốc dạ dày càng làm dạ dày kém đi:
Thuốc dạ dày ức chế quá trình tiết axit clohydric rất quan trọng trong việc tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài mà còn làm việc tiêu hoá thức ăn của cơ thể kém đi, ảnh hưởng xấu đến việc hấp thu các khoáng chất như canxi, magie.
Việc thiếu axit dạ dày dẫn đến thức ăn không được tiêu hoá tốt và bị chuyển thẳng vào đường ruột. Tương tự như ăn thịt, thức ăn chưa được tiêu hoá trong đường ruột sẽ phân huỷ, bốc mùi và sinh ra khí ga lan toả khắp cơ thể.
Việc sử dụng thuốc dạ dày phá vỡ cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hại khuẩn chưa bị tiêu diệt sẽ sinh sôi nhiều hơn lợi khuẩn, nếu các vi khuẩn xâm nhập có độc tính qua lại trong dạ dày, bạn sẽ bị tiêu chảy hay nhiều loại bệnh khác.
3/ Tất cả các loại thuốc về cơ bản đều là thuốc độc:
Dù là thuốc tây y hay đông y, thuốc nào cũng để lại tác dụng phụ có hại cho sức khoẻ, chúng tạo ra lượng lớn gốc tự do và chúng khiến cơ thể tiêu tốn một lượng lớn các enzyme diệu kỳ để trung hoà độc chất có trong thuốc. Thuốc có tác dụng càng nhanh thì độc tính của thuốc càng mạnh, càng có hại cho cơ thể. Vô số người uống thuốc mà không biết thuốc mình đang uống là thuốc gì, hiệu quả ra sao, có tác dụng phụ hay không…, vì vậy khi uống thuốc cần tìm hiểu kỹ tác dụng phụ của thuốc, cho dù thuốc không có tác dụng phụ thì bạn vẫn nên hạn chế sử dụng thuốc ở mức thấp nhất.
Thuốc không trị được tận gốc của bệnh tật, để chữa bệnh tận gốc, chúng ta cần cố gắng nỗ lực mỗi ngày, thực hiện lối sống sinh hoạt, ăn uống điều độ, khoa học, kỷ luật để bệnh tật không còn xuất hiện nữa.
4/ Uống sữa bò gây ra nhiều vấn đề cho sức khoẻ:
Thực tế, không có thực phẩm nào khó tiêu như sữa bò. Ngay khi vào dạ dày, sữa bò sẽ bị đông cứng lại nên rất khó tiêu hoá. Hơn nữa, các loại sữa bán trên thị trường đều là sữa được đồng hoá. Đồng hoá sữa là khuấy sữa mới vắt để các chất béo trong sữa được phân bổ đồng đều, khi đó các chất béo sẽ bị oxy hoá thành lipid peroxide. Sau đó loại sữa bị oxy hoá này sẽ được khử trùng ở nhiệt độ trên 100 độ C, với nhiệt độ đó tất cả enzyme có trong sữa bò đều đã bị phân huỷ. Các loại sữa hiện được bày bán trên thị trường không chỉ không chứa các enzyme cần thiết mà chất béo cũng bị oxy hoá, protein cũng bị biến đổi ở nhiệt độ cao. Ngoài ra sữa bò còn gây ra những vấn đề như dị ứng, loãng xương, tiểu đường, chính vì vậy mà sữa là thực phẩm có hại cho cơ thể.
5/ Gạo trắng là gạo đã chết:
Hạt lúa được bao bọc bởi lớp vỏ trấu, khi bỏ lớp vỏ trấu đi ta sẽ được gạo lứt, lớp vỏ bên ngoài gạo lứt là cám và phôi mầm. Gạo trắng là gạo đã bị tách lớp cám và phôi mầm nên đã bị loại bỏ hết các phần quan trọng nhất trong hạt gạo, dẫn đến gạo trắng sẽ nhanh bị oxy hoá và đổi màu. Gạo trắng khi ngâm nước chỉ bị trương chứ không nảy mầm được, trong khi đó gạo lứt nếu để nhiệt độ thích hợp và ngâm nước đầy đủ sẽ nảy mầm. Gạo lứt có thể nảy mầm vì chứa trong mình năng lượng sống, còn gạo trắng thì là gạo đã chết. Gạo trắng dù có tốt đến đâu cũng chỉ chứa một phần tư chất dinh dưỡng so với gạo lứt, đặc biệt trong phôi mầm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng.
6/ Bơ thực vật rất có hại cho sức khoẻ:
Dầu (mỡ) là loại thực phẩm dễ bị oxy hoá nhất. Đa số các loại dầu trên thị trường được sản xuất bằng phương pháp “tách chiết dung môi”. Dầu được đun nóng và hoà tan với dung môi hexane, người ta tăng áp suất và nhiệt độ để dung môi bay hơi và còn lại là dầu thực vật. Dầu được lấy theo cách này đã bị biến đổi thành chất béo chuyển hoá (chất rất có hại cho sức khoẻ).
Chất béo chứa nhiều chất béo chuyển hoá nhất chính là bơ thực vật, vì ban đầu dầu ở trạng thái lỏng với nhiệt độ phòng, người ta bổ sung hydro vào để thực hiện quá trình hydro hoá biến chất béo chưa bão hoà thành chất béo bão hoà làm dầu từ trạng thái lỏng chuyển sang trạng thái rắn và trở thành bơ thực vật. Bơ thực vật vừa chứa nhiều chất béo chuyển hoá vừa là chất béo bão hoà nên có thể nói không có thứ gì có hại hơn loại bơ này.
Những thói quen tốt cho sức khỏe:
1/ Uống “nước tốt”:
Nước đảm nhiệm rất nhiều chức năng trong cơ thể, chức năng quan trọng nhất là cải thiện lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Nước còn giúp đào thải độc tố, các chất cặn bã trong cơ thể, thúc đẩy hoạt động của các vi khuẩn đường ruột và enzyme. Thậm chí cả dioxin hay các chất ô nhiễm từ môi trường, phụ gia thực phẩm, các chất gây ung thư… nước đều đào thải ra ngoài cơ thể.
Nước tốt là nước không bị ô nhiễm bởi các chất hóa học và có tính khử mạnh, nước tốt được điện phân ở cực âm của máy lọc nước ion kiềm, đồng thời cũng sinh ra hydro hoạt tính có thể loại bỏ phần nào các oxy hoạt tính dư thừa trong cơ thể. Nước tốt có thể thâm nhập vào từng tế bào trong số 60 nghìn tỉ tế bào trong cơ thể, cung cấp chất dinh dưỡng, tiếp nhận và xử lý chất thải của tế bào. Do đó, uống nước tốt còn có thể giúp giảm cân, mỗi ngày nên uống từ 1,5l-2l nước.
2/ Lợi ích của việc nhai kỹ:
Thức ăn khi được nhai kỹ sẽ tiêu hóa tốt hơn so với không nhai kỹ. Càng nhai kỹ càng kích thích tiết nước bọt đồng thời giúp thức ăn được trộn đều với dạ dày và dịch mật, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, giúp cơ thể tiết kiệm được enzyme diệu kỳ. Nhai kỹ còn giúp cho việc giảm cân vì nhai kỹ sẽ tốn thời gian nhiều hơn, khiến lượng đường huyết trong máu tăng lên trong khi ăn, gây ức chế cảm giác thèm ăn và tránh việc ăn quá nhiều. Bạn không cần phải ép bản thân giảm lượng ăn, chỉ cần nhai kỹ là bạn sẽ cảm thấy no bụng với một lượng thức ăn cần thiết cho bản thân.
Một lợi ích nữa của việc nhai kỹ là có thể tiêu diệt các ký sinh trùng, những loại ký sinh trùng rất nhỏ, chỉ khoảng 4 – 5mm, vậy nên nếu không nhai kỹ mà nuốt thẳng sẽ có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng trong nội tạng, khi nhai kỹ các ký sinh trùng này có thể bị giết chết ngay trong khoang miệng.
3/ Thải độc cà phê (coffee enemas):
Thải độc cà phê là phương pháp đưa dung dịch cà phê vào đại tràng để rửa ruột, cà phê được dùng để rửa ruột phải là cà phê hữu cơ không lẫn các tạp chất. Lý do phải rửa ruột định kỳ hàng ngày là bởi vì trong ruột tồn tại một lượng các chất lên men bất thường và không tiêu hoá hết, đặc biệt ở bên trái đại tràng là nơi dễ hình thành phân đóng khối nên cần đẩy chúng ra ngoài cơ thể càng sớm càng tốt. Những người thực hiện thải độc cà phê hàng ngày sức khoẻ họ được cải thiện ngày càng tốt, cơ thể họ cảm thấy vô cùng thoải mái và tràn đầy sức sống vì đại tràng vô cùng sạch sẽ và không có độc tố.
4/ Ăn trái cây trước bữa ăn 30’:
Trái cây được tiêu hoá rất nhanh trong dạ dày vì trong trái cây rất giàu enzyme tốt cho tiêu hoá, khi ăn trước bữa ăn sẽ kích thích hệ tiêu hoá làm lượng đường huyết tăng một chút, do đó có thể ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều. Ăn bữa chính sau khi ăn trái cây thức ăn sẽ được tiêu hoá tốt hơn do lượng enzyme trong trái cây vẫn còn trong dạ dày hỗ trợ tiêu hoá. Mọi người thường có thói quen ăn chính rồi mới ăn trái cây, ăn như vậy sẽ không tốt cho tiêu hoá vì thức ăn chính không chứa nhiều enzyme hỗ trợ tiêu hoá. Khi ăn trái cây lúc thức ăn chính vẫn còn nằm trong dạ dày thì lượng trái cây nằm trên hoàn toàn không giúp gì được cho tiêu hoá mà vẫn phải nằm đó đợi để được tiêu hoá. Chính vì vậy mà bạn cần thay đổi thói quen ăn trái cây trước bữa ăn.
Phương pháp sống khỏe Shinya:
Thực hiện lối sống sinh hoạt điều độ có thể tránh được việc tiêu hao enzyme diệu kỳ và là điều không thể thiếu để duy trì sức khỏe của cơ thể. Mọi người có thể tham khảo lối sinh hoạt giúp duy trì lượng enzyme diệu kỳ mà bác sĩ Shinya thực hiện hàng ngày như sau:
* Buổi sáng:
Sau khi ngủ dậy hoạt động chân tay nhẹ nhàng.
Uống khoảng 750ml nước tốt trước khi ăn một tiếng.
Ăn trái cây (ăn bao nhiêu tùy thích) 20′ sau khi uống nước.
Ăn món chính 30′ sau khi ăn trái cây: cơm gạo lứt trộn ngũ cốc, rau củ, rong biển… Lưu ý nhai kỹ khi ăn.
* Buổi trưa:
Khoảng 11h uống 500ml nước tốt trước khi ăn một tiếng.
30′ sau nếu có trái cây thì ăn một ít, còn không có thì không ăn.
Ăn món chính 30′ sau khi ăn trái cây: cơm gạo lứt trộn ngũ cốc, rau củ, rong biển…
Ngủ trưa 20-30′.
* Buổi tối:
Khoảng 17h uống 500ml nước tốt trước khi ăn một tiếng.
Ăn trái cây (ăn bao nhiêu tùy thích) 20′ sau khi uống nước.
Ăn món chính 30′ sau khi ăn trái cây: cơm gạo lứt trộn ngũ cốc, rau củ, rong biển…
– Nhiều người cho rằng ăn uống như vậy thì kham khổ quá, không thịt, cá, sữa, trứng… nhưng thực tế không cần phải quá khắt khe, thi thoảng chúng ta vẫn có thể thưởng thức các món ngon như: bít tết, phô mai hay thậm chí là uống rượu. Với riêng cá nhân mình, tôi cũng không áp dụng quá nghiêm ngặt phương pháp sống khỏe của bác sĩ Shinya, hàng tháng tôi vẫn ăn những món ngon mà mình thích ăn trước đây từ 1-2 lần trong những dịp đặc biệt với đồng nghiệp hay bạn bè. Thói quen ăn uống sẽ được tích trữ qua từng ngày. Thế nên, dù thỉnh thoảng bạn phá quy tắc nhưng vẫn đảm bảo 95% bữa ăn tốt cho sức khỏe thì các enzyme diệu kỳ vẫn sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe ổn định.
– Chế độ ăn uống kém sẽ khiến sản sinh số lượng lớn các gốc tự do trong cơ thể, các tình cảm tiêu cực như thù hận, ganh tị cũng gây ra tác hại giống như vậy. Vì vậy, không chỉ có thực hiện chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt tốt mà việc duy trì tinh thần trong trạng thái ổn định, yên lành cũng là điều hết sức quan trọng để sống khỏe.
– Cuộc đời này tràn ngập những điều chúng ta muốn làm. Thêm vào đó, chúng đều là những việc đòi hỏi động lực và trạng thái sức khỏe tốt, cơ thể tràn đầy năng lượng mới có thể thực hiện được. Nhân sinh thật ngắn ngủi, chính vì ngắn ngủi như vậy nên bác sĩ Shinya luôn hi vọng mọi người có thể sống một cuộc sống tuyệt vời tràn đầy năng lượng.