Home / Review sách / Review sách Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Review sách Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Dế Mèn Phiêu Lưu Ký
Tác giả: Tô Hoài

Review sách:
Thước phim nhuốm màu xưa cũ của 10 năm trước bất chợt ùa về, những ngày đầu hè, phượng ướm sắc đỏ khắp 1 vùng trời, mình và lũ bạn rong ruổi trên những cánh đồng còn thơm mùi rơm mới, mặc kệ cho những đôi chân trần bị đất hun bỏng rát, mặc kệ cho cái nắng đỏ gay gắt cứ đổ ầm ầm xuống đỉnh đầu, chúng mình đi lùng bắt những con dế, con giun, châu chấu, cào cào,.. Rẽ vạt cỏ, bới ngọn cây, từng con một bị túm lấy, tống vào trong lọ. Công việc ấy duy trì được một tuần thì chúng mình từ bỏ cuộc chơi, sau khi được giác ngộ bởi: “ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÍ” – TÔ HOÀI.

Viết cho trẻ em là 1 điều vô cùng khó. Làm sao để câu chữ vừa gần gũi, lại không mất đi đặc trưng của ngôn từ văn học. Làm sao để trẻ hiểu được câu chuyện nhưng ý nghĩa của tác phẩm lại không được nông quá, mở quá, đọc một phát là bao nhiêu lớp nghĩa bị bóc ra toang hoang, trần trụi hết cả ra, thế giới tinh thần không còn chút bí mật, như cây đào, cây mai độ cuối xuân, bao nhiêu lớp hoa đã bung nở hết mức. Vậy mà bác Tô đã hoàn thành xuất sắc tất cả mọi thứ.

Đọc “ Dế Mèn Phiêu Lưu Kí”, mở ra trước mắt ta là một thế giới vừa gần nhưng cũng thật xa, vừa cảm thấy câu chuyện ngờ ngợ quanh đây nhưng cũng thật mờ ảo, dẫu tưởng mình đã tận tường hết nhưng lại ứ đọng ở câu dòng nào đó…

“ Chuyện thiếu nhi thôi mà. Có cần nói quá lên vậy không?”. Bạn có đang nghĩ vậy? Thực ra, cuốn sách này là truyện thiếu nhi, nhưng không chỉ dành cho thiếu nhi. Trẻ con cầm đọc cuốn sách mơ tưởng đến một thế giới mới lạ, huyền bí, còn người lớn, đọc cuốn sách, nhấm nháp lại chút phong vị đượm màu xưa cũ của một thời đã xa. Và bất cứ lí tưởng phai nhạt nào cần tô đậm, tâm hồn mỏng manh nào cần bồi đắp, đều có thể cầm tới: “ Dế Mèn Phiêu Lưu Kí”.

10 chương truyện bao quát hết cuộc phiêu lưu đầy cam go nhưng cũng đầy khí khái của Mèn. 10 chương không dài, nhưng đủ cuốn ta vào 1 cõi khác, một thế giới khác lạ đượm chút huyền bí lẫn màu sắc viễn phương.

Mở quyển sách ra là cả một vương quốc thiên nhiên xanh ngát, những vùng đất mới mẻ, kì vĩ ập vào khối tưởng tượng của mình: Nước đầm trong xanh, những áng cỏ mượt rời rợi, trời đầy mây trắng, gió thu hiu hiu thổi, nước thu trong vắt, vùng Rùa Rùa, xóm Chuồn Chuồn, vùng Kiến,… Hành trình nọ lôi cuốn hành trình kia theo ma lực của ngôn từ.

Dế Mèn đi tới đâu là bước chân tưởng tượng của tôi đi tới đó. Không biết tự bao giờ, Mèn là tôi mà tôi cũng là Mèn. Dế Mèn nói chuyện với Choắt, với Trũi, với Xiến Tóc, với Nhà Trò, Nhền Nhện, quốc vương Ếch Cốm,… tôi cũng như hòa quyện vào câu chuyện của họ. Những câu chuyện có khả năng đi sâu vào những miền u ẩn của tâm hồn. Và ai dám bảo những miền đó không tiềm tàng những điều chân thật nhất, đáng suy nghĩ nhất.

Bản chất của tự do là độc lập
“ Tôi sống độc lập từ thuở bé”, câu nói đầu truyện, cũng là lời tuyên bố sắt đá về lẽ sống của một chú dế Mèn. Có độc lập mới có tự do, có tự do mới có hạnh phúc. Tinh thần, chí khí độc lập là điểm xuất phát của mọi vấn đề. Độc lập – tôn chỉ bất diệt của Mèn đã manh nha cho cuộc hành trình không giới hạn thời gian đầy vĩ đại.

Từ khi được dọn ra riêng, Mèn “ bắt đầu vào cuộc đời” của mình. Cho dù Mèn sẽ “ sung sướng” hay “khổ sở”, cái đó tùy ở như tính tình Mèn “ khôn ngoan hoặc đần độn”. Song chưa cần biết đến thế, tính đến thế, “ Mà hãy lấy sự ung dung độc lập một mình là điều thích lắm rồi”.

Sai lầm là cánh cổng của khám phá, chọn thỏa mãn là chọn chết
Một buổi chiều, bầu trời hoàng hôn ráng một màu u tịch, sự tàn lụi của một ngày cũng là khởi đầu của một bị kịch tang thương. Vì sự xốc nổi, ích kỉ của Mèn mà Choắt bị chị Cốc mổ chết. Cuộc đời Choắt khép lại, nhưng cánh cửa cuộc hành trình của Mèn lại được hé rộng thêm. Không cam chịu sống an nhàn, hưởng thụ, ngày nào cũng “ ngần ấy thứ việc, thứ chơi”, “ mới đầu còn thấy hay hay, về sau cũng nhàm dần”. Mèn ngẫm, “mặt đất này bao la, không phải chỉ có cái bờ ruộng, cái đầm nước của quê mình”, “ phong cảnh non nước thì bao giờ cũng chờ đón và thúc giục ta hãy vui chân lên, hãy cố đi cho khắp thế gian, đời trai mà không biết bay nhảy, không biết đó đây thì cuộc sống sẽ nhạt nhẽo lắm”.

Đất trời bao đời vẫn xanh một màu vĩnh cửu, nhưng tuổi trẻ, cuộc đời lại ngả chiều úa theo thời gian. Tại sao ta lại hoài phí thời khắc xuân thì của mình, bó hẹp và nhồi nhét nó trong cái khuôn chật chội của sự thỏa mãn? “ Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi bới đất làm tổ, đêm đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn, cho đến lúc nhắm mắt, vẫn phải ân hận chẳng biết đằng cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao.” Cái sống là cái vận động, vạn vật chứa sự sống không sự nào lại chịu đứng yên, ngon cây ngọn cỏ tưởng vô tri vô giác nhưng vẫn không ngừng vươn tới ánh sáng mặt trời. Chỉ có cái chết mới bất động.

Chọn cho mình một hướng đi và không để người khác làm chệch hướng
Vừa nghe 2 tiếng: “Đi xa! Đi xa”, anh Hai của Mèn đã thất kinh, trễ cả hai râu mũi xuống, khuỵu chân ngã giụi và lảm nhảm: “ Đi xa… chết… nó… chết”.
Anh cả thì cười khẩy: “ Đi không kiếm được miếng ngon thì chỉ đi mỏi chân, có động dại mới đi như thế…” rồi chửi quân “ bất hiếu bất mục” là Mèn.
Mèn rủ thêm một vài anh em song cũng chỉ toàn phường “ giá áo túi cơm”.
Bỏ ngoài tai những lời rủ rỉ, cười nhạo, sỉ nhục, quát mắng của những kẻ hèn nhát, chân đùn chí nhụt, Mèn không chút lay động, một lòng một dạ son sắt với mục tiêu phía trước.

Những thiên thần chỉ có một chiếc cánh, phải ôm lấy lẫn nhau để học bay
Mèn và Trũi, những chú dế đặc biệt gặp nhau trong hoàn cảnh đặc biệt. Một ngày cuối thu, hai nhân hình tìm thấy nhau bên bờ vực của cái chết, thề rằng sinh tử có nhau.
Có lúc lênh đênh mười ngày trên biển lớn, bụng móp xuống vì đói, Trũi thều thào khẩn khoản chìa càng cho Mèn ăn. Mèn gạt phắt đi mắng Trũi, sau cùng hai anh em ôm nhau mà khóc.
Trải qua bao cửa tử, xa nhau rồi lại gặp nhau, 2 nhân vật tri âm tri kỉ đã cùng nhau xây thành ước mơ ngao du thiên hạ, vẻ vang trở về, bốn phương đều là nhà, bốn bể đều có bạn.

Có những dòng chữ đã bị thực dân Pháp cắt bỏ, một chứng tỏ hùng hồn cho việc tác phẩm đã vượt qua 1 quyển truyện thiếu nhi bình thường, có sức mạnh kì lạ và trở thành mối đe dọa cho quân thù. Ra đời năm 1940, đến với các bạn trẻ năm 1941, dế Mèn nay đã thành dế cụ 79 tuổi, song những bài học sâu xa còn vang tận đến muôn đời sau.
Năm 7 tuổi, tôi đã đón nhận nó bằng tất cả sự hồn nhiên của mình. Năm 17 tuổi, tôi gặp lại nó với sự trưởng thành nửa vời. Và sau này có ra sao, những hạt sáng huyền diệu mà bác Tô rải trong từng trang sách vẫn sẽ luôn soi sáng cho tâm hồn tôi…

Theo: Trịnh Xuân Thuỷ