Home / Review sách / Review sách Chiến Binh Cầu Vồng

Review sách Chiến Binh Cầu Vồng

Chiến Binh Cầu Vồng
Tác giả: Andrea Hirata

Review sách:
Trong cuộc sống hiện đại, tiền tài, danh vọng dễ dàng phi phối con người, chúng ta gắn việc học với nhiều mục đích khác nhau như lấy được bằng cấp, hay có một tương lai sống trong giàu có…. Đến với “Chiến binh cầu vồng” của Andrea Hirata, ta đến với hành trình đi tìm bản chất thật của giáo dục và việc học.

Đây là cuốn sách được viết dựa trên cuộc đời thực của chính tác giả. Lấy bối cảnh ở đảo Belington của Indonesia, câu chuyện kể về trường tiểu học Muhammadiyah, một ngôi trường làng nghèo khó, lụp xụp có thể đổ xuống bất cứ khi nào. Chỉ có mười em học sinh nhưng dưới sự dìu dắt của người thầy Harfan và cô giáo Mus đã tạo ra sức mạnh phi thường.

Với khát khao dạy học và ý chí kiên cường thầy cô đã khơi dậy ánh sáng tri thức trong tâm hồn các em – những đứa trẻ chỉ biết tới việc hái tiêu thuê, đi làm culi cùi dừa khô,… giờ đây lại say mê học tập: có cậu bé đạp xe 40km từ tờ mờ sáng để đến trường, phải trải qua một đầm lầy lúc nhúc cá sấu ăn thịt người nhưng vẫn miệt mài với trang sách, từ không biết chữ trở thành thiên tài toán học, niềm tự hào của ngôi trường làng, có cậu bé với bàn tay bóng loáng dầu vì đi làm culi mài dừa lại mang tâm hồn của một thiên tài nghệ thuật…

Cô giáo Mus gọi mười học sinh của mình là “Chiến binh cầu vồng” và luôn thắp sáng trong các em niềm tin về tương lai tốt đẹp, rằng cầu vồng sẽ đến sau những cơn mưa. Vượt qua những thiếu thốn vật chất, các em học với tất cả niềm say mê, thầy cô đã mang đến cho tuổi thơ các em những cuộc phiêu lưu kì thú, hướng các em đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, đến công bình và lẽ phải, dạy các em phải cho đi thay vì nhận lại… Từ một ngôi trường làng ọp ẹp, vẻ đẹp của tri thức và giáo dục được sinh ra…

Câu chuyện đẹp bởi ánh sáng lung linh của tri thức, giáo dục, của tình yêu học trò, tình bạn, của ý chí nghị lực và khát khao hướng về những điều tốt đẹp trong cuộc sống…Từ hình tượng thầy giáo Harfan- người đã đạp xe đến từng nhà một để khích lệ con em đến trường và cô giáo Mus – người giáo viên từ bỏ địa vị, tiền tài để dạy học.

Hai con người ấy vừa là thầy cô giáo, vừa là bạn bè, vừa là những người dẫn dắt tinh thần để chúng tôi luôn đi đúng hướng. Họ dạy học trò làm những ngôi nhà đồ chơi từ cây tre, chỉ cho chúng tôi cách tắm gội sạch sẽ trước buổi cầu kinh, dạy chúng tôi cầu nguyện trước khi đi ngủ, bơm căng lốp xe đạp bị xì, hút chất độc ra khỏi chân nếu bị rắn cắn, và thường xuyên vắt nước cam cho chúng tôi uống. Họ là những anh hùng không được tụng ca, là vị hoàng tử và công chúa hiện thân cho sự tận tâm, và là giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang.

Bên cạnh đó, câu chuyện còn là hiện thực đau lòng của cuộc sống với sự phân biệt giai cấp giàu nghèo, về những người dân mất niềm tin vào giáo dục, những thầy cô giáo mất đi niềm tự hào vào sứ mệnh của mình, và đặc biệt hơn cả là nỗi buồn của người nghèo : “ Tôi là một em bé nghèo, một đứa trẻ nghèo, một thiếu niên nghèo và giờ là một người nghèo”.

Dù kết thúc câu chuyện khá buồn, dù việc học hành không giúp lũ trẻ đổi đời, nhưng ít nhất, nó cũng vẫn không làm người ta tuyệt vọng, vì bọn trẻ đã dám ước mơ, dám sống những tháng năm rực rỡ. Và bởi vì, khi tình yêu, niềm tin vẫn còn, thì một lúc nào đó, có thể là thật lâu sau, những mầm xanh sẽ mọc lên.
Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước, thì nhất định sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn.

Với những giá trị tốt đẹp, “Chiến binh cầu vồng” trở thành tác phẩm có tầm ảnh hưởng sau rộng nhất Indonesia./