Trên Đường Băng – Tony Buổi Sáng
Tác giả: Tony Buổi Sáng
Review sách:
“Trên đường băng” là tác phẩm nổi tiếng thứ hai của tác giả Tony Buổi Sáng. Cuốn sách cũng là tác phẩm truyền cảm hứng bậc nhất cho các bạn trẻ, những người thanh niên thời đại mới với hoài bão lớn vượt khỏi “ao làng”.
Tony Buổi Sáng – Một cái tên vô cùng quen thuộc. Ông là một tác giả bí ẩn, không ai biết chính xác danh tính ông, nhưng những gì ông viết ra, những câu chuyện ông chia sẻ lại có tầm ảnh hưởng thật lớn, và đã thay đổi cuộc đời của rất nhiều người. Từng câu, từng chữ trong “Trên đường băng” là từng dòng cảm hứng chạy qua tâm trí người đọc như những tia lửa điện. Nó đem đến một cảm giác mới lạ khi những suy nghĩ, hứng thú liên tục thức tỉnh trong con người mình.
Cuốn sách này là bản tổng hợp những bài viết là những câu chuyện, những tin nhắn, những lời trao đổi mà các bạn trẻ gửi cho “dượng” Tony. Vài câu chuyện cũng do Tony tự nghĩ ra mà kể. Tuy chẳng biết “Trên đường băng” có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng không ai có thể phủ nhận những kiến thức vô cùng đáng giá trong nó. Và thực hư thế nào, các bạn cứ đọc xong trang đầu cuốn sách sẽ thấy, rằng nó thú vị ra sao.
Mở cuốn sách ra, từng dòng chữ hiện lên cuốn hút mình một cách kì lạ. Đó chính là nhờ cái mộc mạc, chân thật của một người từng trải giàu kinh nghiệm, nhờ cái tâm trong sáng và gần gũi trong cách viết mà khoảng cách giữa người viết và đọc giả trở nên vô hình. Tony gợi ra từng vấn đề một, từng thói quen mà giới trẻ hiện nay không tài nào mà không mắc phải. Dù vậy nhưng ta sẽ chẳng cảm thấy cứng nhắc đâu vì Tony lồng vào trong lời kể, cứ như đang trò chuyện với một người bạn vậy.
Cuốn sách chính là những trao đổi, chia sẻ của Tony cho mỗi người tự “cất cánh” trên đường băng của chính mình. Hành trang để chuẩn bị chạy đà và cất cánh được Tony tài tình truyền tải qua ba phần của cuốn sách: Packing checklist – chuẩn bị hành trang, In the departure lounge – ở phòng chờ sân bay và Boarding – lên máy bay.
Phần 1: Chuẩn bị hành trang (Packing Checklist)
Chuẩn bị hành trang là phần mà tác giả viết dài và sâu nhất có lẽ vì đây là phần cần được chuẩn bị kĩ càng nhất trong cuộc đời mỗi người. Suốt 12 năm cắp sách đến trường chính là thời gian cho ta chuẩn bị hành trang. Vậy hành trang cần có là gì? Và như Tony chia sẻ, “tương lai mỗi người là do nhận thức quyết định cả”.
Tony kể chuyện hài hước mà duyên dáng cái kiểu người miền Tây, làm mình “ghiền” dễ sợ. Từ Chuyện thằng Quân, ta vừa đọc vừa nghĩ làm sao để thiết kế cuộc đời. Cái gọi là “the mission of life”, tức sứ mạng của cuộc đời mình. Rồi Chuyện thằng Kiên, Chuyện hai bán cầu não bộ, Chuyện cái tổng đài điện thoại đến Chuyện con nghé,…
Mỗi câu chuyện, Tony không bắt buộc chúng ta phải làm cái này, làm cái kia mà Tony khiến ta phải suy nghĩ, rồi nghiệm ra nhiều thứ kinh khủng lắm, to lớn lắm. Đọc liên tục là đầu óc ta liên tục mở ra, liên tục phấn chấn. Hồi giờ ba mẹ, anh chị rồi cô dì chú bác khuyên răn nhiều thật, biết vậy chứ được bao nhiêu người thay đổi cách suy nghĩ? Vậy mà Tony lại làm được, mà làm một cách thuyết phục nhé. Qua từng phần Học giùm tui cái, Chuyện chọn trường, Về nỗi cực hình mang tên ngoại ngữ, Bệnh nghiện internet hay Chủ nghĩa Makeno,…mình như trở thành một người khác, thay đổi hẳn cách suy nghĩ, tất nhiên là theo chiều hướng vô cùng tích cực.
Phần 2: Ở phòng chờ sân bay (In the departure lounge)
Chuẩn bị hành trang xong là lúc chúng ta đến sân bay và ngồi ở phòng chờ, đâu cũng là thời gian cho chúng ta học hỏi. Tony chỉ cho ta thấy được cái “tầm”, ở đây là tầm nhìn. Cách chúng ta làm việc, học tập như thế nào ( là do mình tự nghiệm ra từ câu chuyện của Tony chứ Tony không có nói ), sự thật dẫn đến sự khác biết của chúng ta với người Nhật, người Hàn, các nước phát triển hơn,…đều xoay quanh câu chuyện Tony kể.
Không ít người ngày nay, “vừa ngậm tăm vừa đi xe máy đến cơ quan, đầu óc vô cùng căng thẳng không biết trưa nay ăn gì, bún bò hay bún riêu, cơm bà Cả hay cơm ông Cả. Lo lắng không biết hôm nay làm gì cho hết giờ, bèn search trên mạng xem tin tức ca sĩ A, diễn viên B,…hoặc cùng với đồng nghiệp vừa gọt xoài chấm muối vừa bàn bạc thảo luận về việc thí sinh X có thế bị loại khỏi mấy chương trình hát hò tối nay trên ti vi”.
Đó chỉ là một “miếng” nhỏ trong câu chuyện mà Tony kể. Cái việc ta suốt ngày dán mắt vào màn hình điện thoại hay laptop cũng đã làm hạn chế “tầm nhìn” của mình, “tầm nhìn” là đôi mắt và “tầm nhìn” còn là không gian để bạn nhìn ra thế giới. Từ cách giao tiếp, uống cafe, đi du lịch hay ngồi xe hơi Tony cũng chia sẻ, mà nói như bây giờ thì mình thấy Tony “mặn” ghê gớm.
Phần 3: Lên máy bay (Boarding)
Ngồi chờ rồi thì cùng lên máy bay và cất cánh thôi. Phần ba là phần mình thấy thích hợp nhất cho các bạn trẻ đang chuẩn bị start-up. Mình nhớ mãi câu: “Nhận thì phải nhớ, cho thì phải quên”. Tony còn cho ta thấy được cái giá trị của hào sảng, cách đo lòng người,… Mỗi người phải hành động, cơ hội đến ít lắm, gặp cái gì cũng nên thử, đừng ngại các công việc như nhân viên bán hàng, phục vụ, rửa bát,… Ta cứ tự làm chủ bản thân khi đủ 18 tuổi , quyết định cái gì đều ở mình, đừng có đem lên mạng hỏi. Thành công thì tốt, thất bại thì làm lại, vì “lẽ nào khổ miết”?
Một điều mình rất thích ở quyển sách này đó là lời cuối sách. Sau ba phần mang đến nhưng cảm xúc thật sự khó tả trong người đọc, tác giả Tony Buổi Sáng đã gửi lời cảm ơn đến đọc giả vì đã đọc đến những dòng cuối cùng của cuốn sách. Từ những câu chuyện sinh động, thiết thực và hài hước của Tony, suy nghĩ của mình đã thay đổi rất nhiều, lên một “lé vồ” khác như Tony nói. Đọc xong cuốn sách, mình cảm giác như vừa chia tay một người bạn, và ngay lúc đó, mình biết mình đã đọc được một cuốn sách hay và vô cùng bổ ích. Cuốn sách đã cổ vũ tinh thần học hỏi, nghĩ lớn làm lớn, khuyến khích ta thay đổi và sống đẹp hơn.
“Cứ mãi ở ao làng, rồi ao sẽ cạn
Sao không ra sông ra biển để vẫy vùng?
Sao cứ tự trói mình trong nếp nghĩ bùng
nhùng?
Sao cứ mãi online và thở dài ngao ngán
Sao cứ để tuối trẻ trôi qua thật chán?
…
Trên đường băng sân bay mỗi đời người.
Có những kẻ đang chạy đà và cất cánh.”
Đối với mình thì “Trên đường băng” là cuốn sách rất đáng đọc vì cuốn sách dạy ta cách học, cách làm và cả cách sống, cách làm người. Cuốn sách nói về giáo dục nhưng không hề khô cứng, lời văn ít nói đến giáo điều lý thuyết mà ngược lại rất thực tiễn, hài hước sâu cay. Lời kể hoặc cố tình nói sai chính tả cho thêm phần bình dị, hoặc cố tình sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng mạng để dễ tiếp cận bạn đọc trẻ tuổi, cũng là đối tượng mà cuốn sách này hướng đến. Cuốn sách cổ vũ tinh thần khám phá học hỏi, nghĩ lớn làm lớn. Đồng thời cũng phê phán những thói quen, tư tưởng tiểu nông, lạc hậu khuyến khích ta thay đổi, sống đẹp hơn.Theo cảm nhận của mình thì đây là cuốn sách truyền cảm hứng bậc nhất cho giới trẻ, cho thanh niên thời đại.
Xem thêm: Review sách Cây Cam Ngọt Của Tôi