Tôi Tự Học
Tác giả: Thu Giang – Nguyễn Duy Cần
Về tác giả:
Nguyễn Duy Cần, bút hiệu là Thu Giang, sinh năm 1907 tại Mỹ Tho, Tiền Giang. Nguyễn Duy Cần là một học giả, giáo sư và nhà biên khảo nổi tiếng bậc nhất của Việt Nam vào những năm 50-60 của thế kỷ XX. Cụ Nguyễn Duy Cần viết rất nhiều cuốn sách lúc sinh thời với nhiều thể loại bao gồm học làm người, nghệ thuật sống, chuyên khảo, và Dịch Đạo.
Review sách:
Cuốn sách “Tôi tự học” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961, chứa đựng nội dung về những khái niệm và mục đích của học vấn, đồng thời chỉ ra các phương pháp tự học đúng đắn và làm việc hiệu quả từ kinh nghiệm của các bậc hiền nhân thời xưa. Mặc dù là một tác phẩm được xuất bản khá lâu, “Tôi tự học” vẫn mang đến một trải nghiệm thú vị cho độc giả, đem lại nhiều bài học giá trị và thiết thực cho cuộc sống hiện đại ngày nay.
Tuy tác phẩm của Thu Giang Nguyễn Duy Cần không thuộc vào loại dễ đọc nhưng lại phù hợp với mọi độc giả. “Tôi tự học” có thể dành cho bất kỳ ai, vì việc học là không có giới hạn và việc thu thập kiến thức là cần thiết cho tất cả mọi người. Đặc biệt, với những bạn học sinh, sinh viên, cuốn sách là tài liệu giúp tham khảo và sắp xếp lại việc học của mình, với phụ huynh, cuốn sách có thể giúp họ định hướng việc học cho con em mình.
Đối với những ai quan niệm rằng sự học là một quá trình cả đời, đây là quyển sách cần thiết cho con đường tự học và phát triển bản thân của họ. Được viết bởi một học giả có kiến thức uyên thâm, sách chỉ cho ta cách đọc, cách học, cách tư duy, chỉnh sửa những quan niệm sai lầm mà ta dễ mắc phải trong quá trình tự tìm tòi trau dồi kiến thức. Sách được trình bày một cách chặt chẽ, lời văn trong sáng, giản dị, gần gũi và rất dễ hiểu, thực sự là một tài liệu quý giá cho những người tri thức trẻ.
Sau đây mình xin chia sẻ vài điểm nhấn của tác phẩm mà bản thân mình thấy hay:
1. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và hành cần phải hợp nhất mới được gọi là người “có học thức”.
2. “Học” và “học thức” không thể lầm lẫn với nhau được.
3. Người xưa ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ, mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ”. Học mà không “tiêu hóa”, có khác nào con chiên nhỏ cỏ, con tằm nhả dâu. Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những điều kẻ khác đã nói. Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc.
4. Những thuận tiện cho sự tự học:
– Thời gian: Thiếu thời gian, cái học của con người chỉ có bề rộng, kém bề sâu, hay cũng chỉ có được nước sơn bóng loáng bên ngoài mà thôi. Chấp thời gian là phản văn hóa.
– Tinh thần tản mát: Phải biết bênh vực thời giờ quý báu của ta. Biết từ chối, đó là một sức mạnh của tâm hồn. Đừng sợ làm phật lòng kẻ khác bằng sự từ chối khéo léo: Mình đã chẳng những làm lợi cho mình mà cũng không làm bận cho người khác.
– Đời sống đơn giản: Lầm cái phụ với cái chính, lầm hình thức với nội dung, có thể nói đó là cái thông bệnh của phần đông người đời nay vậy.
– Sự tập trung tinh thần: Bất cứ làm việc gì, chuyên tâm chú ý, tập trung tinh thần là bí quyết của thành công.
– Óc tổng quan: Óc tổng quan thực là khuynh hướng chống lại với sự tản mát tinh thần, chống lại với sự phung phí tư tưởng vào những chi li vụn vặt.
– Óc nhân quả: Không có gì ngẫu nhiên cả, cả thảy đều có lý của nó.
– Óc tế nhị: Những người có đầu óc tinh nhuệ mới nhận thấy được sự khác nhau trong sự vật, những đầu óc tầm thường chỉ thấy toàn những sự giống nhau mà thôi.
– Óc thán tưởng: Tất cả mọi người đều ao ước có nhiều hiểu biết. Nhưng muốn hiểu biết, đầu kiện đầu tiên là phải biết nhìn đời với cặp mắt của đứa trẻ thơ: Cái gì mình mới lạ và làm cho ta ngạc nhiên được cả.
5. Những thứ nên đọc:
– Đọc tiểu thuyết tâm lý
– Đọc sử
– Đọc báo
– Đọc những sách sách thiên văn và địa lý
6. Có 2 thứ cần học là học viết văn và học dịch văn.
7. Ba yếu tố chính để xây dựng một nền văn hóa vững vàng
– Óc khoa học: Tạo cho mình có một đầu óc khoa học là phát huy được cái khiếu ham chứng minh và lý luận, đồng thời phân biệt được rõ ràng thế nào chứng minh luận cứ, thế nào là thực nghiệm.
– Óc triết học: Triết học phải là cứu cánh của tất cả mọi ngành học, mỗi khoa học là mỗi con đường, chung quy rồi cũng phải đổ dồn về một mối, là triết học.
– Biết cảm xúc là điều kiện cốt yếu để tạo cho mình một cơ sở văn hóa sâu sắc hơn.
8. Các nguyên tắc làm việc:
– Nguyên tắc thứ 1 là đi từ cái dễ đến cái khó, và phải tin ở sự thành công.
– Nguyên tắc thứ 2 để làm việc có hiệu quả là phải làm việc đều đều, không nên để gián đoạn.
– Nguyên tắc thứ 3 là bất cư môn học nào phải khởi đầu bằng những yếu tố đầu tiên của môn học ấy, nghĩa là khởi học lại những căn bản sơ đẳng và đừng bao giờ đốt giai đoạn.
– Nguyên tắc thứ 4 là biết lựa chọn.
– Nguyên tắc thứ 5 là phải biết quý thời giờ làm việc của ta và đặt cho nó thành một kỷ luật.
– Nguyên tắc thứ 6 là biết dùng thời giờ làm việc và tiết kiệm từng phút.
– Nguyên tắc thứ 7 là hễ làm việc gì thì hãy làm cho hoàn tất, đừng phải trở lại một lần thứ hai.
– Nguyên tắc thứ 8 là muốn làm việc cho có hiệu quả thì phải có một sức khỏe dồi dào.
Xem thêm:
Tóm tắt sách Đắc Nhân Tâm
Tóm tắt sách Quảng Gánh Lo Đi và Vui Sống