Home / Review sách / Review sách Rừng Na Uy

Review sách Rừng Na Uy

Rừng Na Uy
Tác giả: Haruki Murakami

Review sách:
“Rừng Na Uy” không hẳn là một thế giới huyền ảo, cũng không hẳn là thực tại. Ở giữa lưng chừng đó lại có những con người trẻ tuổi thẫn thờ bước đi trên băng chuyền của sự trưởng thành. Với nỗi sợ hãi, nỗi hoang mang và cái chết cận kề bên tai…

Bối cảnh của tập truyện rơi vào khoảng những năm 60-70 của thế kỷ trước và chủ yếu xoay quanh Toru Watanabe cùng 2 cô gái đặc biệt trong đời anh là Naoko và Midori. Hai cô gái đại diện cho 2 tuýp nhân vật khác biệt, có phần trái ngược và có sức ảnh hưởng khá lớn đến cuộc đời của Toru.

Nếu như Naoko là người bạn học thân thiết ngày xưa, cũng là bạn gái của Kizuki – mội người bạn chung khác đã tự tử khi còn trung học, phải cố gắng vực dậy từ quá khứ, đương đầu trước thực tại đầy mông lung lẫn tương lai quá đỗi mờ mịt. Thật là khó khăn cho một cô gái chưa đầy 20 phải tập bơi qua muôn vàn cơn sóng dữ như vậy.

Ngược lại Midori, lại có chút sôi nổi, đầy sức sống hơn so với một Naoko lúc nào cũng lạc lối trong tâm trí. Cô mạnh mẽ, yêu đời và dẫu có nhiều biến cố trong đời, ở cô luôn trỗi dẫy một ngọn lửa bừng bừng của thanh xuân. Và có thể nói, chính cô đóng góp một phần không nhỏ đến cuộc đời của Toru sau này.

Đối với Toru, từ sau cái chết của người bạn thân cộng với sự tách biệt đột ngột của Naoko, đã đẩy cậu vào những ngày tháng đơn độc của tuổi trẻ, ở một môi trường mới, một cuộc sống mới nhưng vẫn còn tàn tích của quá khứ u ám. Trong anh, có một điều gì đó khuất tất, uất nghẹn mà chẳng thể nào giải phóng, phơi bày ra được.

Cậu yêu Naoko bằng hết cả trái tim và mỗi khi cậu gặp trắc trở, ở bên Naoko, cậu lại được xoa dịu. Nhưng cậu chẳng thể nào hiểu được Naoko, và càng ngày giữa cậu và cô ấy có một lớp màng ngăn cách. Cũng có thể là sự ngăn cách về địa lý, môi trường, cũng có thể sự là sự đoạn tuyệt với tình yêu khi Naoko vẫn còn nhớ về Kizuki; hoặc cũng có thể cô muốn tự cô lập mình ra khỏi thế giới (có cả Toru) để tìm những giải đáp cho riêng mình. Và rồi, Naoko tìm đến cái chết.

Trong thời gian tạm xa rời Naoko, Toru lại may mắn gặp được Midori – một màu xanh tươi sáng, tràn đầy nhựa sống, giúp cậu vượt qua những nỗi đau, để tìm lại chính mình, để tìm lại ý nghĩa của cuộc đời mình.

Cả tác phẩm dường như đều nhuốm màu chết chóc, bệnh tật, trầm cảm và những nỗi đày đọa tinh thần thì Midori như chút đốm sáng nhỏ nhoi, khiến giữa khu rừng âm u ấy, có chút le lói, có một gợi mở về lối thoát. Và lối thoát ấy đã dành cho Toru.

Rừng Na Uy – Nỗi hoang mang của những người trẻ sống mòn
Câu chuyện và một bản tình ca buồn lê thê của những người trẻ Nhật thời đại ấy, sống co cụm mình trong những tấm chăn cô đơn, bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời hỗn loạn, và mông lung khi nghĩ về tương lai, về cuộc đời. Có người tìm đến cái chết, có người trượt dài vào những nỗi đau vô tận, có người lại không ngừng ám ảnh bởi sự hoài nghi, sự sợ hãi con người… Càng cô đơn, họ càng chui vào lớp vỏ bọc chắc chắn của mình, phun tơ tạo kén cho chắc chắn hơn rồi ở trong đó, gặm nhấm nỗi cô đơn không ngừng to lớn.

Toru Watanabe, bạn thân của hai nhân vật xấu số trên và cũng là người đem lòng yêu Naoko da diết. Từ khi Kizuki ra đi, cậu với Naoko luôn bên nhau, cùng nhau vượt qua nỗi đau nhưng đôi lúc cậu chẳng thể nào hiểu được Naoko. Là một người nhạy cảm và khá nội tâm, cậu biết rằng cậu nên tìm cách giúp Naoko thoát ra nỗi ám ảnh kia nhưng càng lúc, cậu cảm thấy bất lực. Bản thân cậu cũng chẳng khá khẩm hơn là bao.May mắn hơn một chút là cậu được vực dậy tinh thần rất nhiều từ cô bạn Midori và người bạn mới quen Reiko trong trại tâm thần.

Nagasawa là một người bạn của Toru khi còn ở kí túc xa. Nhân vật được xây dựng khá hoàn hảo về mọi mặt nhưng trong cậu lúc nào cũng mệt mỏi, khinh miệt những con người sống xung quanh mình (có lẽ trừ Toru ra). Ở cậu, có một mục tiêu rõ ràng, có một thái độ rõ ràng nhưng cậu luôn cảm thấy khó chịu, hằn học với cuộc đời.

Hatsumi là một nhân vật chỉ được nhắc đến như bạn gái cũ của Nagasawa. Sau khi chia tay Nagasawa bởi tính lăng nhăng của cậu ta, cô đã bay ra nước ngoài, kết hôn rồi tự vẫn.

Reiko Ishida là người quen của Naoko ở trại điều trị. Cô có niềm đam mê với âm nhạc nhưng một tai nạn nhỏ đã khiến cô phải ngừng ước mo của mình. Sau đó, cô còn gặp rắc rối với mối tình đồng tình của cô học trò khiến Reiko lao đao trong suốt một thời gian dài và cần phải điều trị tâm lý. Tuy nhiên, ở cô gái này vẫn còn chút sức sống gì đó khiến cô có thể tự giải thoát mình khỏi những bóng ma quá khứ và tiếp tục.

Cũng như Reiko, Midori cũng là tuyến nhân vật có những biến cố gia đình suốt những năm tháng tuổi thơ nhưng cô lại rất lạc quan, tràn trề sức sống để tiến về tương lai. Tình yêu của cô cũng là điểm sáng hiếm hoi trong cả bức trang u ám của “Rừng Na Uy”. Cô cũng đã tỏ tình với Toru nhưng bị từ chối nhưng sau đó Toru dường như phát hiện ra điều gì đó biến chuyển trong anh và đã gọi điện lại cho Midori trong những đoạn cuối.

Dường như tất cả những nhân vật này đều xoay quanh điểm trumg tâm Toru. Họ như đánh mất chính mình, họ gần như chẳng đứng nổi trên đôi chân của bản thân và trên hết, họ cần một điểm tựa vững chắc hơn. Khi họ đang dần khép kín cuộc đời mình, thì Toru như là đầu mối liên lạc giữa họ với cuộc đời bên ngoài. Họ cứ lởn vởn trong tâm trí của mình, chạy loanh quanh giữa bộn bề nội tâm mà chẳng bao giờ ngừng lại. Sự có mặt của Toru như cứu cánh, như chốn nghỉ ngơi, như cửa sổ nhìn ra thế giới ngoài kia.

Chúng ta có thể bắt gặp đâu đó hình ảnh của mình, hay cuộc đời của mình trong những người trẻ ấy. Lo sợ về sự trưởng thành như Kizuki, quá non trẻ để gỡ rối những khúc mắc của cuộc đời như Naoko, sự sợ hãi con người và xã hội như Reiko hay Nagasawa, sự hoang mang khi tìm lẽ sống như Toru… tất cả chúng ta đều một lần như thế, và cách đương đầu cũng sẽ đâu đó như thế…

Người ta hay tự hỏi rằng cuộc sống mỗi người có ý nghĩa gì? Là vì điều gì? Thực tế, chẳng có bất kỳ khuôn mẫu nào cả, mỗi người là một cá thể độc lập, có hoàn cảnh riêng, có sự phát triển riêng và tất nhiên, ý nghĩa cuộc sống mỗi người cũng sẽ khác. Những nỗi sợ vẫn luôn ở đó, chỉ cần hụt chân, bạn sẽ sa lầy, chỉ cần đánh mất niềm tin, trong bạn chỉ còn là sợ hãi.

“Rừng Na Uy” là một câu chuyện nên nó không yêu cầu được ai phán xét. Chúng ta không thể bảo rằng ai đúng ai sai, ai sướng ai là khổ. Mỗi người đọc sẽ có những suy nghĩ, đánh giá của riêng mình. Tôi đã chọn cách suy nghĩ: nỗi đau của tình yêu là nỗi đau đẹp nhất, kẻ biết đau vì tình yêu thì mới biết trân trọng nó. “Rừng Na Uy” sẽ là một tham khảo đẹp dành cho những ai đã và đang muốn níu giữ những tình yêu đã mất. Tôi sẽ luôn dành một chỗ thật đẹp trên giá sách để đặt cuốn sách này lên đó, và luôn đặt câu chuyện của nó vào trong trái tim mình.

Xem thêm: Review sách Trên Đường Băng – Tony Buổi Sáng