Home / Review sách / Review sách Không Tự Khinh Bỉ Không Tự Phí Hoài

Review sách Không Tự Khinh Bỉ Không Tự Phí Hoài

Không Tự Khinh Bỉ Không Tự Phí Hoài
Tác giả: Vãn Tình

“Nếu một người phụ nữ đánh mất chính mình thì cô ấy sẽ mất đi tất cả”

Đó chính là quan điểm của Vãn Tình đối với những người phụ nữ trong xã hội hiện đại khi mà vai trò của người phụ nữ ngày nay không chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà hay căn bếp của mình mà họ còn ra ngoài xã hội để tạo dựng cho mình một khoảng trời riêng. Quan điểm của chị đã đi xuyên suốt trong các tác phẩm của mình mà “Không tự khinh bỉ – không tự phí hoài” là một trong số đó.

Ai nên đọc cuốn sách:
Nếu là một cô gái chuẩn bị bước vào đời thì đây là cuốn sách giúp cô ấy thay đổi những suy nghĩ cũ của mình để có cái nhìn mới dưới nhiều góc độ khác nhau trong cuộc sống.

Nếu là một cô gái đã trưởng thành thì đây là cuốn sách giúp của cô ấy ngày càng hoàn thiện bản thân hơn.

Nếu là một cô gái đã có gia đình thì đây là cuốn sách sẽ giúp cho cô ấy vun đắp cuộc hôn nhân của mình thêm vẹn tròn, hạnh phúc.

Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện có thể là của chính Vãn Tình hay của một người họ hàng, một người bạn hay là của một độc giả nào đó của chị về các mối quan hệ trong gia đình, công việc… và cuối mỗi câu chuyện là một lời kết sâu sắc đủ để đánh động trái tim và suy nghĩ của bạn.

Vãn Tình đã chỉ ra khuyết điểm của nhiều cô gái, nhiều người phụ nữ đó là khinh bỉ bản thân và phí hoài tuổi trẻ. Phần lớn họ đều có điểm chung như không tự tin, bị phụ thuộc, hay lo nghĩ, hay tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, có tâm lí chấp nhận nhưng lại luôn oán trách cuộc sống… để rồi phải sống trong tình cảnh tiêu cực rồi hận đời, chỉ tìm thấy niềm vui khi gặp người cùng cảnh ngộ. Có độc giả đã chia sẻ với Vãn Tình rằng chỉ khi tìm được chút can đảm trong tác phẩm của chị thì cô ấy mói có thể giữ cho tâm trạng của mình tạm thời bình tĩnh.

Nhiều người khi rơi vào các sai lầm trên thì đều có tư tưởng đổ thừa, oán trách. Cái gì cũng Tại nó thế này hay Tại nó thế kia hoặc Số phận nó như thế rồi. Thế nhưng bạn có biết, Vãn Tình đã có một tuổi thơ không trọn vẹn, từ nhỏ chị đã tận dụng mọi cơ hội để học hỏi mọi thứ, gia đình không thể cho chị ấy một chỗ dựa vững chắc khi lớn lên, chị viết trong lời cuối sách như thế này: “Gia đình chẳng những không giúp đỡ gì được mà còn tạo ra vô vàn chướng ngại vật trên con đường trưởng thành của tôi. Người khác bắt đầu từ số 0, tôi còn bắt đầu từ số âm”. Chị cũng nói rằng chị có oán hận bởi chị là người trần chứ không phải thánh thần nhưng điều mà chị có thể làm là không ngừng nỗ lực để không bao giờ phải quay trở lại quá khứ ngày trước.

Đọc “Không tự khinh bỉ – không tự phí hoài”, bạn đã thấy một tấm gương để cho bạn học tập ngay chính ở tác giả của cuốn sách mà bạn đang đọc. Cô ấy đã vượt qua nghịch cảnh, kiên cường tiến lên để có thể sống một cuộc sống mà mình mong muốn vậy thì cớ sao các cô gái lại để mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Bạn sẽ nhìn thấy bản thân mình ở đâu đó qua từng trang sách, từng câu, từng chữ mà bạn đọc bởi những câu chữ ấy đã đánh động vào trái tim bạn, khiến bạn không thể rời mắt khỏi nó. Bạn tò mò Vãn Tình sẽ viết gì, cô ấy sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Không phải tự nhiên mà Vãn Tình biết được những điều đó để mà viết ra thành sách. Cô ấy có sự trải nghiệm của chính mình, rút ra những bài học kinh nghiệm từ chính những tình huống ấy, đặt mình dưới nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra những phân tích, nhận xét, đánh giá khách quan và đúng đắn nhất gửi đến những độc giả đọc tác phẩm của mình.

“Chúng ta bất lực trước cuộc sống khi chưa trưởng thành, nhưng cuộc sống sau khi trưởng thành lại do tự ta quyết định. Bất kể hiện trạng tồi tệ thế nào, bất kể khó khăn ra sao, từ hôm nay trở đi, chỉ cần bạn không tự khinh bỉ, không tự phí hoài thì rồi sẽ có một ngày, bạn được sống cuộc sống bạn hằng mong muốn. Khi bạn xác định được điều này, cả thế giới sẽ phải nhường đường cho bạn”

Theo: Lâm Ngọc Khánh