Bài Giảng Cuối Cùng
Tác giả: Randy Pausch, Jeffrey Zaslow
Về tác giả:
Randy Pausch là một Giáo sư, Tiến sĩ đại học Carnegie Mellon và đại học Virginia, Hoa Kỳ. “Bài giảng cuối cùng” là cuốn sách được ông viết sau khi biết mình bị bệnh ung thư.
Review sách:
Mở đầu cuốn sách, tác giả đã chia sẻ lý do mà cuốn sách ra đời cũng như nói rõ để đọc giả hiểu về “vấn đề” mà tác giả đang gặp phải, ông được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối và chỉ sống được 6 tháng. Nơi ông đang công tác và giảng dạy là trường Đại học Carnegie Mellon có một truyền thống là khi các Giảng viên từ giã giảng đường sẽ thực hiện một bài giảng cuối cùng, bài giảng để chia tay đồng nghiệp và sinh viên, thường khi thực hiện bài giảng thì các Giáo sư, giảng viên sẽ chia sẻ những kỷ niệm, những thất bại hay thành công mà họ đạt được trong sự nghiệp.
Khi Giáo sư Randy Pausch được mời để làm một bài giảng như vậy vì khi đó ông đã được chẩn đoán mắc ung thư và sẽ chia tay giảng đường để sống nốt thời gian còn lại bên gia đình, ông đã nhận lời vì ông muốn để lại cái gì đó cho 3 đứa con của ông.
Thay vì chia sẻ về căn bệnh ông mắc phải, những tiếc nuối về cuộc sống thì ông lại cho toàn bộ những người tham dự bài giảng của ông hôm đó đầy bất ngờ, không có một chút bi quan, một chút sầu não mà ông luôn tràn đầy năng lượng, luôn lạc quan, hài hước khi chia sẻ về chủ đề “CHẠM TAY VÀO ƯỚC MƠ TUỔI THƠ”, không phải là về cái chết mà là quá trình vượt qua các chướng ngại, cách thực hiện hóa các ước mơ, không để phí hoài bất cứ khoảnh khắc nào trong đời.
Cuốn sách chính là bài giảng đó. Với 53 chương giống như 53 “bài giảng” mà ông muốn truyền tải, cách viết lôi cuốn, hài hước, hóm hỉnh khiến người đọc không cảm thấy đây là một người đang mắc ung thư giai đoạn cuối và chỉ sống được mấy tháng.
Toàn bộ cuốn sách không có những triết lý quá cao siêu mà những câu chuyện ông chia sẻ khá gần gũi, nhưng không phải vậy mà không có những bài học cho mỗi người.
Đây thực sự là cuốn sách nên đọc. Nếu bạn mong chờ một câu chuyện cảm động về một người mắc ung thư giai đoạn cuối, những triết lý phải hoành tráng thì có lẽ sẽ không phù hợp với bạn. Cuốn sách chỉ đơn giản là sẽ truyền cho bạn cảm hứng sống tốt hơn, yêu quý hơn cuộc sống hiện tại cũng như cách thức để có thể đạt được những ước mơ.
Câu nói rất ý nghĩa của ông là: “Chúng ta không đổi được những quân bài đã chia, chỉ có thể đổi cách chơi những quân bài đó.”
“Kinh nghiệm là thứ bạn thu được khi bạn không đạt được điều mà bạn hằng mong muốn.”
Ðừng than vãn, hãy làm việc tích cực hơn
Trong cuộc sống, có quá nhiều người hay than vãn về các vấn đề của họ. Tôi luôn tin rằng nếu bạn lấy một phần mười năng lượng cho việc than vãn để dùng vào việc giải quyết vấn đề, thì bạn sẽ ngạc nhiên thấy công việc trôi chảy.
Tôi biết những người thật tuyệt vời, không bao giờ than vãn. Một trong những người đó là Sandy Blatt, chủ nhà trọ lúc tôi học cao học. Khi ông còn là một thanh niên, một chiếc xe tải đã đè trúng ông khi ông đang xếp dỡ các thùng hàng xuống hầm chứa của tòa nhà. Ông ngã lăn xuống mấy bậc cầu thang, rớt xuống hầm. “Cú ngã có xa không?” – tôi hỏi. Câu trả lời của ông rất đơn giàn: “Ðủ xa.” Cả phần đời còn lại, ông bị liệt cả hai tay lẫn hai chân.
Sandy là một vận động viện tuyệt vời, và tại thời điểm xảy ra tai nạn ông đã đính hôn. Ông không muốn trở thành gánh nặng cho vị hôn thê, nên đã nói với bà, “Em không hề cam kết với hoàn cảnh như thế này. Anh sẽ hiểu, nếu em muốn rút lui. Em có thể ra đi trong bình yên.” Và bà đã làm như vậy.
Tôi gặp Sandy khi ông đang ở độ tuổi ba mươi, và ngay lập tức, ông đã chinh phục tôi bằng thái độ của ông. Ông không bao giờ than vãn về cảnh ngộ của mình. Ông làm việc rất nghiêm túc và được cấp giấy phép để hành nghề tư vấn hôn nhân. Ông đã kết hôn và nhận con nuôi. Và khi nói về tình trạng sức khỏe của mình, ông nói rất thực tế. Có lần ông giải thích với tôi, nhiệt độ thay đổi khiến người bị liệt rất khó chịu bởi họ không biết rùng mình. “Anh có thể đưa cho tôi cái chăn được không, Randy?” Ông chỉ nói có vậy.
Người không than vãn mà tôi ngưỡng mộ nhất có lẽ là Jackie Robinson, cầu thủ người Mỹ da đen đầu tiên chơi bóng bầu dục ở giải ngoại hạng. Ông đã phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc mà ngày nay nhiều thanh niên không hề muốn nghĩ tới. Ông biết ông phải chơi tốt hơn những cầu thủ da trắng, và ông biết ông phải làm việc tích cực hơn nhiều. Và đó là những thứ ông đã làm. Ông không bao giờ than vãn, ngay cả khi cổ động viên nhổ nước bọt vào ông.
Tôi có một bức ảnh của Jackie Robinson treo trong phòng làm việc, và tôi khá buồn vì nhiều sinh viên của tôi không biết, hoặc biết rất ít về ông. Nhiều người còn không hề để ý tới bức ảnh đó. Lớp trẻ lớn lên với tivi màu nên chẳng hề dành thời gian để quan sát những bức ảnh đen trắng.
Đó là điều rất không hay. Thật không có tấm gương nào tốt hơn những con người như Jackie Robinson và Sandy Blatt. Thông điệp trong những câu chuyện của họ là: Than vãn chẳng làm được gì với tư cách một chiến lược. Tất cả chúng ta đều chỉ có hữu hạn thời gian và năng lượng. Thời gian chúng ta dành để than vãn chẳng hề giúp đạt được các mục đích của chúng ta. Và nó không làm chúng ta hạnh phúc hơn lên.
Bắt đầu bằng cách ngồi lại cùng nhau
Khi luôn phải làm việc cùng người khác, tôi cố gắng hình dung chúng tôi ngồi cùng nhau với một xấp các quân bài. Sự thôi thúc của tôi là đặt tất cả các quân bài lên bàn, lật ngửa, và nói với cả nhóm: “Nào, chúng ta cùng nhau có thể làm gì với những quân bài này?”
Khả năng làm việc được tốt trong nhóm là một kỹ xảo quan trọng và cần thiết trong cả công việc lẫn cuộc sống gia đình. Để dạy kỹ xảo này, tôi luôn ghép sinh viên thành các nhóm làm việc trong các đề án.
Với năm tháng, việc cải tiến động lực nhóm trở thành một nỗi ám ảnh đối với tôi. Vào ngày đầu tiên của mỗi học kỳ, tôi tách lớp học thành hàng chục nhóm bốn người. Rồi trong ngày thứ hai, tôi phát cho sinh viên một trang tài liệu với tiêu đề “Những lời khuyên để làm việc thành công trong nhóm.” Chúng tôi cùng trao đổi, từng điểm một. Một số sinh viên thấy những lời khuyên của tôi không xứng với họ. Họ nhướng mắt, nghĩ rằng đã biết cách hợp tác tốt với nhau. Họ đã được học những thứ đó ở nhà trẻ, và không cần những lời khuyên sơ đẳng của tôi.
Nhưng hầu hết những sinh viên có ý thức đều đón nhận chúng. Họ nhận thấy tôi đang cố gắng truyền đạt cho họ những điều rất cơ bản. Có chút ít gì đó giống như huấn luyện viên Graham tới buổi tập mà không mang theo bóng. Ðây là một số những lời khuyên của tôi:
Làm quen với mọi người một cách đúng mực: Tất cả đều bắt đầu bằng việc giới thiệu. Hãy trao đổi các thông tin để liên lạc với nhau. Hãy đảm bảo là bạn phát âm đúng tên của từng người.
Hãy tìm những điểm chung: Bạn luôn có thể tìm được những điểm chung với người khác, và từ đó, sẽ dễ dàng hơn để nói về những điểm khác biệt. Thể thao không phân biệt chủng tộc và sự giàu-nghèo. Và nếu không có gì khác nữa, thì chúng ta vẫn có chung một thứ là thời tiết.
Cố gắng tạo các điều kiện tối ưu cho việc làm quen: Hãy đảm bảo là không ai bị đói, lạnh hoặc mệt mỏi. Gặp gỡ, làm quen với nhau qua bữa ăn nếu có thể được, thức ăn làm cuộc gặp mặt trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ. Đó là lý do tại sao ở Hollywood mọi người lại đi “ăn trưa” cùng nhau.
Ðể mọi người đều nói: Không ngắt lời người khác. Nói to hơn, nhanh hơn không làm cho ý tưởng của bạn tốt hơn chút nào cả.
Hãy kiềm chế cái tôi: Khi thảo luận các ý tưởng, hãy gắn nhãn và viết chúng xuống. Nhãn phải mô tả về ý tưởng, không phải về người có ý tưởng: “câu chuyện về chiếc cầu” chứ không phải “câu chuyện của Jane.”
Biểu dương lẫn nhau: Hãy tìm vài lời tốt đẹp để nói, ngay cả khi có một chút nói ngoa. Những ý tưởng tồi tệ nhất vẫn có thể có những nét hay nếu bạn thật cố gắng xem xét.
Hãy phát biểu các lựa chọn như những câu hỏi: Thay vì nói “Tôi nghĩ là chúng ta cần phải làm A, chứ không phải B,” hãy cố gắng để nói “Sẽ như thế nào nếu chúng ta làm A, thay vì B?” Như vậy sẽ cho phép mọi người đưa ra ý kiến thay vì phải bảo vệ một lựa chọn.
Khi kết thúc bài giảng ngắn, tôi nói với sinh viên là tôi có một cách khá tốt để điểm danh. “Sẽ dễ dàng hơn cho tôi nếu tôi điểm danh các bạn theo nhóm.” – tôi nói. – “Nhóm một, các bạn hãy giơ tay lên … Nhóm hai?…”
Khi tôi gọi mỗi nhóm, các cánh tay giơ lên. “Có ai để ý điều gì không?” – tôi hỏi. Không ai có câu trả lời. Do vậy tôi gọi lại tên các nhóm. “Nhóm một?… Nhóm hai?… Nhóm ba?…” Các cánh tay từ khắp các góc trong phòng lại giơ lên.
Thỉnh thoảng bạn phải tạo một chút kịch tính khi truyền đạt cho sinh viên, đặc biệt về những vấn đề mà họ nghĩ là họ đã biết. Ðây là những gì tôi đã làm: Tôi tiếp tục điểm danh cho tới lúc rồi cũng phải lên giọng. “Vì cớ quái quỷ gì mà các anh các chị vẫn ngồi cùng với bạn của mình?” – tôi hỏi. – “Tại sao các anh các chị không ngồi cùng những người trong nhóm của mình?”
Một số người biết tôi bực mình nhằm gây tác động, nhưng ai cũng thấy sự nghiêm trọng. “Tôi sẽ ra khỏi lớp.” – tôi nói. – “Và sẽ trở lại sau sáu mươi giây. Khi quay trở lại, tôi trông đợi các bạn sẽ ngồi cùng với nhóm của mình! Tất cả đã hiểu chưa?” Tôi bước ra khỏi lớp và nghe như sinh viên nhốn nháo thu nhặt túi sách, lục tục ngồi lại theo nhóm.
Khi quay trở lại, tôi đã giải thích, những lời khuyên của tôi về làm việc theo nhóm không phải để xúc phạm trí tuệ hay sự trưởng thành của mọi người. Tôi chỉ muốn cho họ thấy là họ đã bỏ quên một thứ rất đơn giản – thực tế là họ cần phải ngồi với người cùng nhóm – và như vậy, chắc chắn họ có thể thu lượm được nhiều điều bổ ích từ việc ôn lại những thứ rất cơ bản.
Tại buổi lên lớp tiếp theo, và suốt thời gian còn lại của học kỳ, sinh viên của tôi luôn luôn ngồi cùng nhóm của họ.
Xem thêm: Review sách Rừng Na Uy